Bệnh động kinh là gì?

Rất khó để nhận biết ra bệnh động kinh. Trong khi một số người co giật toàn bộ cơ thể, một số khác có biểu hiện nhìn chằm chằm vào không gian trong vài giây đến vài phút. Người đó có thể mất ý thức, không biết chuyện gì xảy ra, có những cử động bất thường mà không kiểm soát được như giật một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, một bên hoặc cả hai bên; hay có khi chỉ là sợ hãi một điều gì đó mà không giải thích được. Sau khi bị động kinh bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối.

Những sự phóng điện quá mức làm gián đoạn hoạt động điện bình thường của não, vào gây ra một vấn đề tạm thời giữa các tế bào thần kinh.

Tuy nhiên, co giật không có nghĩa là bị động kinh. Nhưng khi một người có những cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần, với đặc điểm, tính chất tương tự nhau, không rõ lí do thì có thể người đó bị động kinh. Ai cũng có thể bị bệnh động kinh, từ trẻ nhỏ, thiếu niên cho đến người lớn. Đối với một số người ( đặc biệt là trẻ em) cơn co giật cuối cùng trở nên ít dần đi và có thể biến mất hoàn toàn.

Nguyên nhân động kinh là gì?

Bên cạnh những động kinh chưa xác định được nguyên nhân , một số bất thường sau đây có thể là nguyên nhân gây nên động kinh:

  • Tổn thương não trong quá trình thai kỳ như nhiễm trùng, sinh non, sinh ngạt, sinh hút, vàng da nhân
  • Bất thường não bẩm sinh, u não
  • Bất thường mạch máu não, bệnh mạch máu não như dị dạng mạch máu não, nhồi máu não, ..
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương như viêm não – màng não, ký sinh trùng,… gây tổn thương não
  • Chấn thương sọ não hoặc di chứng chấn thương sọ não (sẹo trên não)
  • Ngộ độc, ngạt
  • Bệnh lý toàn thân gây tổn thương não như lupus đỏ hệ thống, cao huyết áp,…

Động kinh không phải là một bệnh truyền nhiễm , nó có thể di truyền qua các thế hệ. Những người có tiền sử gia đình bị bệnh động kinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người không có.

Nên hiểu như thế nào về một cơn co giật?

Co giật trông đáng sợ, tuy nhiên nó không gây đau đớn cho bệnh nhân. Mỗi người khác nhau sẽ bị ảnh hưởng theo cách khác nhau. Người ta thường chia động kinh làm 2 loại chính: cục bộ và toàn thể.

Động kinh cục bộ bắt đầu ở một vùng của não, vì vậy nó khởi đầu ở một vùng cơ thể. Các rối loạn điện của não sau đó có thể di chuyển đến các phần khác của não, hoặc chỉ ở trong một khu vực cho đến khi cơn co giật kết thúc.

Động kinh cục bộ có thể đơn giản ( bệnh nhân không mất ý thức) hay phức tạp (bệnh nhân mất ý thức trong cơn). Bệnh nhân có thể co giật một ngón tay, vài ngón, bàn tay, cánh tay hoặc chân. Một số có thể co giật cơ mặt hay ngứa ngáy một phần cơ thể. Bệnh nhân có thể ảnh hưởng tạm thời về nhận thức. Tất cả phụ thuộc vào nơi não bộ đang diễn ra hoạt động điện bất thường.

Động kinh toàn thể là các rối loạn điện xảy ra trên toàn bộ não cùng một thời điểm. Bao gồn cơn vắng ý thức, cơn giật cơ, cơn gồng cứng toàn thân, cơn co cứng – co giật, cơn mất trương lực.

Cơn vắng ý thức thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, độ tuổi từ 8-12 tuổi, bệnh nhân đột ngột ngưng mọi hoạt động, nhìn chằm chằm vào không gian khoảng vài giây. Sau đó bệnh nhân trở về bình thường và không nhớ những gì đã xảy ra.

Trong cơn giật cơ, bệnh nhân có những cử động giật đột ngột, có thể vung tay ra ngoài, làm rớt đồ, hay ngã khuỵu xuống. Ngoài ra, bệnh nhân có thể mất kiểm soát ruột, bàng quang gây tiêu tiểu trong quần.

Hầu hết các cơn động kinh chỉ kéo dài vài giây hay vài phút. Trước khi cơn động kinh xảy ra một số người vẫn tỉnh táo, hoạt động bình thường; một số có các triệu chứng tiền triệu. Sau cơn, bệnh nhân thường cảm thấy bối rối, buồn ngủ, mệt mỏi trong vài phút đến vài giờ. Họ có thể không nhớ những gì đã xảy ra trong cơn động kinh và thời gian ngay trước sự kiện. Mỗi người sẽ có những kiểu khác nhau.

Một số yếu tố có thể gây khởi phát cơn co giật như:

  • Đèn nhấp nháy
  • Mất ngủ
  • Stress
  • Chơi game, xem tivi quá lâu
  • Sốt
  • Một số loại thuốc
  • Thở nhanh

Các bác sĩ sẽ làm gì cho bệnh nhân động kinh?

Nếu bạn nghĩ con bạn có thể bị co giật, hãy nói với bác sĩ về điều đó. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần, thần kinh sẽ đánh giá xem con bạn có bị động kinh hay các bệnh khác hay không?

Bác sĩ cần biết tiền sử sức khỏe của con bạn và của gia đình bạn , những thuốc con bạn đang sử dụng, có dị ứng gì không? Điều quan trọng là mô tả chính xác nhất có thể về cơn động kinh. Xác định được loại động kinh sẽ giúp bác sĩ quyết định hướng điều trị cho con bạn. Bởi vì những người động kinh thường không nhớ những gì đã xảy ra nên việc mô tả chi tiết từ một người nhìn thấy nó là một điều cần thiết.

Các bác sĩ có thể sẽ cần cho con bạn thực hiện một số xét nghiệm như EEG (đo hoạt động điện trong não), CT scan hay MRI để tìm kiếm bất thường hay nguyên nhân nào khác trên não. Tất cả các xét nghiệm này đều không gây đau cho bệnh nhân.

Nếu bác sĩ chẩn đoán xác định con bạn bị bệnh động kinh, bác sĩ sẽ đề nghị một điều trị thích hợp. Mục tiêu của điều trị là kiểm soát cơn co giật giúp bệnh nhân có một cuộc sống bình thường. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể có một chế độ ăn ceton, đối với những bệnh nhân vẫn còn cơn co giật khi chỉ dùng thuốc. Một vài trường hợp không kiểm soát được cần phẫu thuật trực tiếp trên não.

Chung sống với bệnh động kinh như thế nào?

Những người mắc chứng động kinh có thể sống như người bình thường. Có nhiều vận động viên, tác giả, chính trị gia, doanh nhân, nghệ sĩ, hay bác sĩ bị bệnh động kinh.

Những người bị bệnh động kinh vẫn có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, hẹn hò và kiếm việc làm. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các biện pháp phòng ngừa để tự bảo vệ mình trong các tình huống khác nhau. Ví dụ như bệnh nhân vẫn có thể tham gia bơi lội, nhưng luôn luôn bơi với người khác để đảm bảo an toàn. Nếu được điều trị ổn, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ, bệnh nhân vẫn có thể lái xe. Nói với mọi người xung quanh bạn như bạn bè, người thân, giáo viên về bệnh động kinh của bạn, và dạy họ cần làm gì trong trường hợp cơn co giật xảy ra.

Một số điều sau đây có thể giúp mọi người hỗ trợ cho bệnh nhân động kinh:

  • Bình tĩnh
  • Cho bệnh nhân nằm trên một bề mặt phẳng, thoải mái
  • Giúp bệnh nhân gỡ kính, ba lô, nới lỏng quần áo ( đặc biệt vùng gần cổ)
  • Không giữ chặt người đang co giật
  • Cất các vật sắc, nhọn, cứng đang ở gần bệnh nhân
  • Ở bên cạnh họ cho đến khi cơn co giật kết thúc và sau đó
  • Luôn quan sát hơi thở của bệnh nhân
  • Nói chuyện với bệnh nhân một cách bình tĩnh sau cơn
  • Quan sát kỹ và có thể mô tả trước, trong và sau cơn co giật
  • Không đặt bất cứ thứ gì vào miệng khi bệnh nhân đang co giật. Bệnh nhân sẽ không nuốt lưỡi, vậy nên việc cố mở miệng có thể làm bệnh nhân chấn thương.
  • Không vắt chanh vào miệng bệnh nhân hay bất cứ thứ gì vì bệnh nhân có thể bị hít sặc và chết vì điều đó.

Không nhất thiết phải đưa đi cấp cứu nếu đã biết bệnh nhân bị động kinh và bác sĩ đã giải thích cho người thân và bệnh nhân về tình trạng này. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang có vấn đề về hô hấp, tím tái môi, kèm theo bệnh đái tháo đường, cơn co giật lớn hơn 5 phút, hoặc nhiều cơn liên tiếp cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong có vẻ đáng sợ, nhưng nếu được quản lý thì nó đơn giản hơn bạn nghĩ. Hãy làm theo lời bác sĩ dặn. Bạn nên ngủ đủ giấc, ăn uống đúng cách, tập thể dục để giảm căng thẳng và giữ dáng. Bác sĩ sẽ là người hướng dẫn tư vấn liệu trình điều trị và lựa chọn thuốc phù hợp để bạn kiểm soát tốt cơn động kinh , thời gian điều trị kéo dài bao lâu tùy thuộc vào từng cá nhân.

Đặt lịch hẹn