3 GIAI ĐOẠN CỦA HỘI CHỨNG THÍCH NGHI

stress

Có 3 giai đoạn của hội chứng thích nghi khi bạn đối diện với một stress.

Giai đoạn I:

Phản ứng báo động.

Giai đoạn này được bắt đầu bằng trạng thái sốc. Khi cơ thể chúng ta đứng trước một yếu tố gây stress tức là  đòi hỏi cơ thể phải làm sao thích nghi với hoàn cảnh này. Vì cơ thể chưa được chuẩn bị cho tình huống này nên trước tiên phản ứng cảnh báo bắt đầu bằng một trạng thái sốc, trạng thái này đặt cá thể vào một tình huống mất cân bằng về hoạt động chức năng đẩy cơ thể vào tình trạng dễ tổn thương hơn đối với đòi hỏi phải thích nghi ở hoàn cảnh mới này. Giai đoạn này có thể kéo dài vài phút đến 24 giờ. Nếu tình trạng sốc này không dẫn đến cái chết, cơ thể sẽ cân bằng trở lại và đưa ra những phương pháp tự vệ tích cực được gọi là giai đoạn chống sốc, đây là những phản ứng cấp tức thời nhằm tạo thuận lợi cho hành vi tháo chạy hoặc tấn công đối tượng gây nguy hiểm, tức là né tránh hoàn cảnh gây bệnh. Những đáp ứng về thần kinh thực vật, nội tiết ở giai đoạn này được gọi là “đáp ứng giao cảm”. Bắt đầu từ dưới rồi gián tiếp thông qua hệ thống thần kinh giao cảm kích thích lên tủy thượng thận của tuyến thượng thận tiết ra adrenaline và noradrenaline. Tủy thượng thận cũng được hoạt hóa bởi hệ thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau hoặc cơ chế thể dịch bằng cách kiểm soát nồng độ adrenaline và noradrenaline trong máu. Cần nhớ rằng vỏ não hệ thống viền cũng liên quan đến phản ứng của cơ thể đối với stress, phân tích nhận thức, tri giác, những trải nghiệm và những phản ứng cảm xúc cũng tham gia vào quá trình thích ứng này của cơ thể.

Khi tủy thượng thận được hoạt hóa tiết ra adrenaline và noradrenaline những chất này có tác dụng làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và nhịp thở sau đó là làm tăng lượng đường trong máu. Lúc này đồng tử giãn ra để nhìn được rõ hơn, trí nhớ và phản xạ trở nên tốt hơn, cơ quan tiêu hóa ngược lại hoạt động chậm lại.

Những thay đổi này còn nhằm huy động các nguồn dự trữ của cơ thể bằng cách phân hủy lipide, glucogene để cung cấp năng lượng cho cơ bắp. Sự tăng tiết adrenaline và noradrenaline làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim dẫn đến tăng lưu lượng máu cung cấp nhiều hơn oxy cho cơ bắp phục vụ cho việc tháo chạy hoặc tấn công đối tượng gây stress thành công. Tuy vậy sự gia tăng cấp thời nồng độ các catecholamine có thể dẫn đến những tác dụng có hại trong giai đoạn này đối với cơ thể như có thể gây ngưng tim bởi rung thất, co thắt ngực dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não ...

Giai đoạn II:

Giai đoạn kháng cự

Ở giai đoạn này bao gồm tất cả những phản ứng không đặc hiệu gây ra bởi yếu tố gây stress, cơ thể cần phải thích nghi bằng cách huy động tất cả các nguồn dự trữ để thiết lập một sự cân bằng mới. Ở giai đoạn này stress được xem như yếu tố tích cực đối với cơ thể ví dụ : nếu một học sinh phải đọc một bài thơ trước lớp, sự tăng tiết adrenaline sẽ làm tăng trí nhớ và kích thích tư duy của học sinh này, điều này có tác dụng tốt đối với em. Nhưng ngược lại nếu em không giữ được bình tĩnh thì sẽ trở nên căng thẳng hơn, bối rối hơn và điều này sẽ bất lợi cho em.

Ở giai đoạn cảnh báo cơ thể mất rất nhiều năng lượng đòi hỏi trong giai đoạn này cần được bù đắp lại. Về nội tiết và thần kinh thực vật, giai đoạn kháng cự có sự hoạt hóa trục dưới đồi – tuyến yên – thượng thận. Sự tăng tiết corticolibérine bởi nhân trước và nhân bên dưới đồi dẫn đến tăng tiết corticotropine (ACTH) bởi thùy trước tuyến yên. Sự hiện diện của ACTH trong máu dẫn đến sự tăng tiết corticosurrenal từ lớp vỏ thượng thận bao gồm :
Hocmon chuyển hóa glucocorticoide như cortisol, cortisone huy động nguồn dự trữ năng lượng dưới dạng hydrate carbon bằng cách kích hoạt các enzyme chuyển hóa làm tăng lượng đường trong máu. Với liều cao glucocorticoide sẽ có tác dụng kháng dị ứng và kháng viêm bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch để giảm những phản ứng của cơ thể đối với những tổn hại của các mô.
Minéralocorticoide như aldosterone, corticosterone tác động vào sự hằng định của các ion bằng cách tạo thuận lợi cho việc giữ ổn định natri trong máu và phản ứng chống lại các tác nhân gây hại bên ngoài tấn công vào cơ thể.

Như vậy chúng ta thấy rõ rằng trong giai đoạn này cơ thể đang tìm kiếm một nguồn năng lượng mới để chống lại những sự xâm nhập của các tác nhân có hại từ bên ngoài và cũng tìm cách củng cố bù đắp lại những sự thiếu hụt các ion nhằm mục đích chống đỡ một cách tốt nhất đối với hoàn cảnh khó khăn đang gặp phải.

Giai đoạn III:

Giai đoạn kiệt quệ

Nếu stress tiếp tục kéo dài cơ thể sẽ đến lúc kiệt quệ. Sự bực bội, trầm cảm có thể xuất hiện. Stress không chỉ có tác động sinh lý mà còn có tác động đến tâm lý. Khi một người phải đối mặt với một hoàn cảnh gây stress, hành vi và cả nhận thức, tri giác của anh ta đối với môi trường xung quanh cũng thay đổi. Nhưng cần nhớ rằng mỗi cá thể khác nhau sẽ phản ứng khác nhau đối với cùng một hoàn cảnh gây stress.

Như vậy nếu tác nhân gây stress vẫn hiện hữu có nghĩa là đòi hỏi thích ứng vẫn tiếp tục, sẽ đến lúc nào đó cơ thể không còn khả năng thích nghi, các cố gắng điều chỉnh giữ thăng bằng sự hằng định nội môi thất bại, không thể bù đắp được năng lượng, khả năng đề kháng miễn dịch suy yếu không thể chống lại được các tác nhân có hại xâm nhập từ bên ngoài sự kiệt quệ có thể dẫn đến tình trạng sốc như ban đầu. Nhưng lần này trạng thái kiệt quệ dễ dàng đem đến bệnh tật và tử vong vì cơ thể đã trải qua giai đoạn hoạt động quá sức và không còn khả năng bù trừ nữa. Rất nhiều bệnh cơ hội có thể xuất hiện trong giai đoạn này vì hệ thống miễn nhiễm đã suy yếu, loét dạ dày ruột, cao huyết áp, hen xuyễn, eczema, ung thư v.v… Ngoài ra như ta đã biết ở phần trên khi lượng cortisol tăng lên trong máu nó trở nên tác nhân gây độc cho hệ thống thần kinh vì nó cho phép các ion calcium xâm nhập vào tế bào thần kinh, khi nồng độ calcium tăng cao sẽ gây ngộ độc và phá hủy các tế bào này.

Đặt lịch hẹn