Sốt co giật, hay còn gọi là co giật do sốt cao, là tình trạng co giật gây ra bởi cơn sốt ở em bé hoặc trẻ. Trong một cơn co giật do sốt, trẻ thường mất cảm giác và chân tay có những cơn co giật, lắc trong một khoảng thời gian nhất định. Đa số trẻ bị sốt co giật có nhiệt độ lớn hơn 38,90C.
Trẻ em bị sốt co giật không phải bị bệnh động kinh, vì bệnh động kinh có đặc điểm là co giật tái diễn và nguyên nhân của bệnh không phải bắt đầu từ sốt.
Hầu hết các cơn co giật do sốt xảy ra trong những ngày đầu tiên khi trẻ bị sốt. Sốt co giật thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi và hiếm gặp ở trẻ lớn hơn.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh co giật do sốt cao là gì?
Hầu hết các cơn co giật do sốt kéo dài từ 30 giây đến 1-2 phút, trong vài trường hợp có thể kéo dài hơn 15 phút. Đa số trẻ em bị sốt co giật có nhiệt độ ở hậu môn lớn hơn 38,90C.
Các triệu chứng sốt co giật tương tự với bệnh động kinh. Tuy nhiên, những cơn co giật này thường không gây nguy hiểm và chúng có thể tự hết. Các triệu chứng phổ biến nhất là mất ý thức kéo dài từ 30 giây đến 5 phút hoặc lâu hơn, co cơ khắp cơ thể trong 15-20 giây, khó thở, lắc hoặc giật tay và chân, mất kiểm soát trong việc đi tiểu hoặc đi tiêu, cắn lưỡi hoặc má, nghiến chặt răng hoặc da có màu xanh.
Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy đưa con bạn đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu nếu gặp những trường hợp sau:
- Bé lên cơn co giật lần đầu tiên.
- Cơn co giật kéo dài hơn 10 phút và không có dấu hiệu ngừng lại.
- Bạn nghi ngờ cơn co giật bị gây ra bởi những bệnh nghiêm trọng, ví dụ như viêm màng não.
- Bé gặp vấn đề hô hấp như khó thở.
Nguyên nhân gây ra co giật do sốt cao là gì?
Hiện vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra co giật do sốt cao là gì. Thông thường, sốt co giật không gây ra bất kỳ tác hại nghiêm trọng gì cho trẻ. Hầu hết các cơn co giật do sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột, và thường xảy ra trong ngày đầu tiên của cơn sốt. Ngoài ra, sốt co giật có thể xảy ra khi trẻ được tiêm chúng; hay bị nhiễm virus hoặc nhiễm trùng (ví dụ như nhiễm trùng tai, nhiễm virus ban đào – một căn bệnh do virus gây ra sưng hạch bạch huyết ở cổ và phát ban).
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh co giật do sốt cao?
Một số yếu tố sau được cho là có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tiền sử bệnh lý gia đình.
- Nhiễm trùng, nhiễm vi rút, chẳng hạn như bệnh thuỷ đậu và cúm, viêm tai giữa hay viêm amidan.
- Tiêm chủng: trong một số trường hợp, cơn sốt co giật có thể xảy ra sau khi trẻ được tiêm vắc xin.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh co giật do sốt cao?
Hầu hết các trường hợp co giật do sốt cao không gây hại nên không cần sử dụng thuốc để ngăn ngừa các cơn co giật. Tránh để trẻ sốt và nhiệt độ cơ thể quá nóng, đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, uống nhiều chất lỏng và ăn thức ăn tốt cho sức khỏe.
Sốt co giật kéo dài hơn 10 phút rất nguy hiểm, cần phải đi gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Thỉnh thoảng một số trẻ em có thể có những cơn co giật khác.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh co giật do sốt cao?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên tiền sử các cơn co giật (theo miêu tả của cha mẹ) khi trẻ sốt. Bác sĩ sẽ hỏi về việc tiêm chủng cho trẻ trong 2 tuần trước khi cơn co giật xảy ra để biết chắc rằng vắc xin không gây ra bất cứ ảnh hưởng gì đến trẻ. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về những loại thuốc, vitamin hoặc thảo dược bé đã uống để loại trừ những phản ứng phụ với thuốc.
Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để tìm ra những nguyên nhân nghiêm trọng hơn. Các xét nghiệm này bao gồm điện não đồ (đối với động kinh) và các xét nghiệm khác để loại trừ bệnh viêm màng não và viêm não.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của co giật do sốt cao?
Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến sốt co giật:
- Đặt trẻ nằm nghiêng trong cơn co giật để tránh bị nghẹn đờm.
- Nhớ giữ bình tĩnh. Bạn có thể thấy sợ hãi khi cơn co giật xảy ra, nhưng bạn sẽ cảm thấy đỡ hơn và có thể trấn an trẻ nếu bạn biết giữ bình tĩnh.
- Gọi cấp cứu nếu cơn co giật kéo dài hơn 10 phút.
- Gọi cho bác sĩ nếu con bạn thường xuyên bị co giật.