Rối loạn lưỡng cực là gì?
1. Bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực là gì?
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một chứng bệnh rối loạn tâm thần gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang ức chế một cách xen kẽ có chu kỳ. Một số người có vòng tuần hoàn khí sắc thay thế nhanh chóng giữa các đợt trầm cảm và hưng cảm, đôi lúc, người bệnh có tình trạng kết hợp vừa có những triệu chứng hưng cảm, vừa có những triệu chứng trầm cảm.
Tùy vào mỗi người mà các cơn hưng cảm và trầm cảm sẽ có số lượng và tần suất khác nhau. Có thể chỉ bị một, hay cơn, trong khi một số người khác thì bị rất nhiều cơn hưng cảm hay trầm cảm. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực ảnh hưởng đến cả nam và nữ, ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi 18-24 tuổi.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Triệu chứng của trầm cảm
Cảm thấy đau buồn có thể là một phản ứng rất bình thường trước các sự kiện xảy ra trong đời, nhưng một bệnh liên quan đến trầm cảm có thể là một phần của rối loạn lưỡng cực. Cảm giác đau buồn dần trở nên tệ đi và sẽ xảy ra trong thời gian dài và người bị sẽ gặp khó khăn để đối đầu với các vấn đề thường ngày. Các đợt trầm cảm trong rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường kéo dài vài tháng.
Một số hay tất cả các triệu chứng sau đây có thể xảy ra:
- Cảm giác không hạnh phúc không thể tan biến
- Mất cảm hứng trong các công việc
- Không thể tận hưởng các công việc
- Cảm thấy mệt mỏi và mất năng lượng
- Thay đổi thối quen ăn uống
- Sụt kí hay tăng kí
- Khó ngủ, dễ thức giấc, ngủ nhiều
- Giảm ham muốn tình dục
- Cảm giác vô dụng và có lỗi cực kì
- Không thấy tương lai lạc quan
- Có vấn đề về suy nghĩ hay tập trung
- Cảm thấy khó để đưa ra quyết định dù chỉ là quyết định nhỏ
- Có ý nghĩ rằng một người nào đó tốt hơn nên chết đi hay có ý nghĩ về việc tổn thương một người nào đó
Triệu chứng của hưng cảm
Một cơn hưng cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một giai đoạn kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, suốt giai đoạn đó một người cảm thấy cực kì tốt, phấn khích, cao hứng, giàu năng lượng hay dễ cáu kỉnh.
Sự gia tăng về khí sắc này có thể rất mạnh mẽ, đôi lúc khiến người bệnh bị mất liên hệ với thực tế và bắt đầu tin vào những thứ kì lạ, có những nhận định sai lầm và có những hành vi đáng xấu hổ, gây hấn hay thậm chí nguy hiểm.
Một số hay tất cả các triệu chứng sau đây có thể xảy ra:
- Gia tăng tâm trạng, không phù hợp với tình huống cá nhân. Thường người bệnh sẽ cực kì sảng khoái, bị lấn át bởi cảm giác khỏe mạnh và quan trọng hóa bản thân.
- Giàu năng lượng và tăng động.
- Nói nhiều, thường nhanh và to hơn bình thường, khó mà người khác có thể theo kịp.
- Giảm nhu cầu ngủ.
- Mất ức chế dẫn đến hành vi không thích hợp và bốc đồng.
- Dễ kích động.
- Mất tập trung và chú ý.
- Có những ý tưởng lớn và vô cùng lạc quan.
- Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng tâm thần về ảo tưởng và ảo giác. Nội dung thường liên quan đến sự phấn khích và các cảm giác không thực tế về tầm quan trọng của bản thân.
- Cơn hưng cảm nhẹ các triệu chứng thường xảy ra với một mức độ thấp hơn và thường dễ loại bỏ.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn hay ai đó bạn biết có các triệu chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực, việc tìm sự giúp đỡ y tế rất quan trọng. Bạn nên tới gặp các bác sĩ tâm thần ngay để điều trị. Nếu đã được chẩn đoán bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, điều quan trọng là việc tránh tái phát trong tương lai. Việc điều trị bao gồm thuốc và điều trị tâm lý.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực được cho là do sự mất cân bằng của các chất truyền tin trong não. Bệnh thường xảy ra trong gia đình, và được cho là sự khác biệt trên mã gene khiến họ dễ mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Các sự kiện lớn trong đời như mất đi người thân, tan vỡ trong các mối quan hệ hay các căng thẳng lớn khác có thể khởi phát các đợt bệnh, đồng thời có thể khởi phát các bệnh thực thể hay các vấn đề về giấc ngủ.
4. Điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Các đợt trầm cảm sẽ được điều trị với thuốc chống trầm cảm và liệu pháp tâm lý. Các đợt hưng cảm có thể được điều trị với các thuốc ổn định khí sắc hoặc các thuốc chống loạn thần. Để ngừa tái phát, bác sĩ sẽ tư vấn liệu trình điều trị tùy vào tình trạng từng bệnh nhân.
Cần có thời gian để các thuốc phát huy tác dụng, và việc điều chỉnh thuốc thích hợp nhất dựa vào cơ địa mỗi người là khác nhau; vì thế bệnh nhân không nên tự ý ngưng thuốc hoặc tự ý sử dụng thuốc mà chưa được sự đồng ý của bác sĩ.